Phượng Liên fan's forum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Phượng Liên fan's forum

là forum dành để post những tuồng cải lương, trích đoạn hay những bài tân cổ một thời vang bóng của nữ nghệ sỹ tài danh PHƯỢNG LIÊN...cũng là nơi để trao đổi với bạn bè khắp bốn phương.


You are not connected. Please login or register

TỰ HÀO CẢI LƯƠNG THỜI KINH TẾ KHÓ KHĂN (02/01/09)

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Admin


Admin

“Trời ơi! Lâu lắm rồi mới được xem một đêm cải lương hay đến như vậy!” Một bà cụ tóc bạc phơ vừa cười vừa khen. Thật vậy! Đó không chỉ là lời khen của riêng một mình cụ bà, mà cũng là nhận xét chung của gần 600 khán giả đã chịu lạnh, đội mưa đến với đêm cải lương Ngũ Đại Tài Danh tại nhà hàng Dynasty, thuộc thành phố San Jose, Bắc Cali, nơi có đông người Việt thứ nhì tại hải ngoại, chỉ sau Quận Cam, nam Cali.

Đêm cải lương Ngũ Đại Tài Danh nhằm vinh danh 5 huy chương vàng sáng chói của giải Thanh Tâm trước năm 1975: nghệ sĩ Ngọc Giàu (huy chương vàng triễn vọng giải Thanh Tâm năm 1960 và huy chương vàng giải diễn viên xuất sắc năm 1967), nghệ sĩ Bạch Tuyết (huy chương vàng giải triễn vọng năm 1963 và huy chương vàng giải diễn viên xuất sắc năm 1965), nghệ sĩ Thanh Sang và Lệ Thủy (cùng đoạt huy chương vàng triễn vọng năm 1964) và nghệ sĩ Phượng Liên (huy chương vàng triễn vọng năm 1966). Sở dĩ chúng tôi dùng chữ “sáng chói” để nói về những tài danh này vì từ lúc đăng quang giải Thanh Tâm cho đến nay, trong lúc đã có những huy chương vàng khác nằm xuống hoặc bỏ cuộc, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, thì họ, những nghệ sĩ nói trên vẫn miệt mài và đầy sáng tạo trong việc tiếp tục nhả tơ cho đời. Họ xứng đáng được vinh danh như “The Best of the Best” trên sân khấu cải lương.
Sau phần ăn tối 9 món thịnh soạn được phục vụ đúng giờ bởi ban tổ chức mà đa số đều là những bạn trẻ lớn lên tại hải ngoại kết hợp với bà chủ nhiệm tuần báo Việt ngữ Việt Tribune là Trươnggia Vy ham vui và cũng vì “mắc nợ” cải lương nên liều mạng đứng ra thực hiện, đêm diễn bắt đầu với phần dẫn dắt chương trình của MC Phương Thư và tôi. Tôi trân trọng gọi những khán giả đã chịu vượt cơn lạnh giá và mưa bão để đến đêm nay là những khán giả ruột của cải lương. Nếu trên sân khấu là các tài danh thuộc thế hệ vàng thì dưới khán phòng, khán giả đêm nay phải được công tâm ghi nhận là những khán giả vàng của cải lương hải ngoại.
Cải lương chi bảo Bạch Tuyết tối nay bị cảm, giọng nói gần như bị khan hẳn đi. Lúc tập tuồng buổi trưa, tôi nghe chị ho nhiều. Tôi chạy vội ra siêu thị gần đó mua một chai mật ong nguyên chất để chị pha với trà nóng uống cho mát giọng. Vẫn với phong thái sang trọng và thâm trầm, nghệ sĩ Bạch Tuyết xuất hiện trên sân khấu trình bày về nguồn gốc của bộ môn cải lương và lý giải vì sao hai vở tuồng đầu tiên của cải lương lại là “Kim Vân Kiều” và “Lục Vân Tiên”. Chưa cất tiếng hát mà Bạch Tuyết đã hớp hồn khán giả bằng phần dẫn giải mang tính học thuật nhưng lại rất dễ hiểu và gần gũi.
Đêm cải lương chỉ thật sự tăng nhiệt khi khán giả bồi hồi nhớ về kỷ niệm ngọt ngào ở quê hương qua bài tân cổ “Lời ru quê mẹ” (Lê Duy Hạnh) với tiếng hát của Cải lương chi bảo và ca sĩ trẻ Quang Thành.
Quang Thành, Kim Tử Long và Quế Trân lần lượt chiếm cảm tình sâu đậm từ khán giả mộ điệu qua những ca khúc tân nhạc và tân cổ đầy tình tự quê hương. Riêng huy chương vàng Trần Hữu Trang năm 1999 Quế Trân đêm nay đẹp lạ lùng, khiến mấy ông quay phim- chụp hình đều phải chen nhau để tác nghiệp.
Nghệ sĩ Lệ Thủy sau khi song ca với nghệ sĩ Phượng Liên bài tân cổ “Mẹ dạy con” (Giao Tiên- Loan Thảo) đã hoàn toàn chinh phục khán giả bằng lớp độc diễn vai Xuân Tự trong trích đoạn “Áo cưới trước cổng chùa” (Kiên Giang) và trích đoạn “Xin một lần yêu nhau”. Tôi cũng đã khó kềm lòng khi cùng có mặt trên sân khấu với nghệ sĩ Lệ Thủy trong phần tâm tình về những kỷ niệm cuối cùng với nghệ sĩ Minh Phụng. Qua lời kể của đệ nhất đào thương, khán giả được biết thêm về lòng say nghề cho đến phút cuối dù phải gian nan chống chọi với bệnh tật của hoàng tử sân khấu.
Những trích đoạn cải lương nổi tiếng được diễn lại đêm nay gồm có “Lữ Bố- Điêu Thuyền” (Minh Tơ- Thanh Tòng) với Kim Tử Long và Quế Trân, “Bên cầu dệt lụa” (Thế Châu) với Thanh Sang và Phượng Liên, “Kiều Nguyệt Nga” (Ngọc Cung) với Bạch Tuyết và Ngọc Giàu đều là những điểm nhấn ngoạn mục của đêm diễn.
Riêng những phút ngẫu hứng trên sân khấu của Hồng Loan trong vai Thái hậu Dương Vân Nga lớp hào hùng dõng dạc “Tấm long bào này, tấm áo Thiên Tử đầu tiên này, ta quyết không bao giờ dâng nạp” lại gây nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả. Hồng Loan không hổ danh là thế hệ thứ ba trong đại gia đình có truyền thống nghệ thuật từ nghệ sĩ Năm Nghĩa, bà bầu Thơ cho đến cố nghệ sĩ Thanh Nga, danh hài Bảo Quốc và hiện nay là Hồng Loan, Hữu Châu, Hữu Lộc, Hà Linh.
Lớp diễn ngẫu hứng “Tiếng trống Mê Linh” (Việt Dung, chuyển thể: Vĩnh Điền) lại là lớp diễn đắt giá nhất đúng theo nghĩa đen. Hàng đoàn khán giả đủ mọi lứa tuổi xếp hàng tuần tự tiến lên phía trước sân khấu để lì xì Thi Sách- Thanh Sang và Trưng Trắc- Phượng Liên. Tiền lì xì nhiều đến nỗi nghệ sĩ Thanh Sang phải giữ chặt bằng hai tay cho… khỏi rớt. Tôi lên sân khấu và nói đùa về tài năng của Thanh Sang khi anh vừa diễn, vừa hát vọng cổ và vừa nhận bao lì xì liên tục từ khán giả nhưng vẫn không hề bị trật một nhịp nào.
Gọi là đêm cải lương, nhưng chương trình còn tăng cường tiết mục tấu hài thật vui với nghệ sĩ Lê Tín- Hồng Loan và phần trình diễn sống động của các chàng trai trẻ trong nhóm Làn Sóng Việt.
Đêm diễn khép lại với hình ảnh thật đẹp và cảm động của 5 huy chương vàng Thanh Tâm ngày nào giờ đứng cạnh bên nhau và vẫn còn được khán giả yêu thương nồng nhiệt. Nghệ sĩ, tiến sĩ sân khấu Bạch Tuyết lại một lần nữa thay mặt toàn bộ nghệ sĩ cảm ơn sự ủng hộ của khán giả. Cô nhấn mạnh về việc kinh tế có thể làm cho người ta no- đói, thể chế chính trị có thể chỉ là quyền lực nhất thời, chỉ có văn hóa mới mang con người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và yêu thương nhau hơn.
Khán giả bao vây từng nghệ sĩ để thăm hỏi, giao lưu, chụp hình lưu niệm mà không chịu rời cứ như người thân từ đại gia đình trong ngày sum họp. Đã không còn khoảng cách giữa người đi xem và người trình diễn mà chỉ còn tình đồng hương nơi xa xứ của những con người cùng màu da, cùng ngôn ngữ và cùng sự trân trọng đối với cải lương dân tộc.
Giữa nồng nàn tình đồng hương, tôi chợt nhận ra một người đàn ông Mỹ trắng to cao. Ông đi xem cải lương chung với vợ là người Việt. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe ông nói chuyện bằng tiếng Việt rất sõi. Ông cho biết trong khi vợ của ông thích nghe tân nhạc thì bản thân ông lại mê cải lương. Và đây không phải lần đầu ông mua vé đi xem cải lương tại San Jose. Nhìn quanh, tôi bất ngờ nhận ra thêm vài khán giả là người bản xứ nữa cũng đang cố chen vào để được chụp hình với nghệ sĩ Bạch Tuyết.
Người bạn Mexico của tôi hướng về phía Cải lương chi bảo nói: “Tôi không hiểu tiếng Việt của bạn, nhưng qua cử chỉ, điệu bộ trên sân khâu, tôi tin bà ấy chắc chắn phải là một nghệ sĩ lớn của sân khấu cải lương”.
THANH TÙNG - (San Jose, CA)
<sưu tầm>

https://nghesyphuonglien.forumvi.com

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết